Chống tham ô lãng phí theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Bác cho rằng: "Tham ô, lãng phí là căn bệnh "tứ chứng nan y" của mọi nhà nước. Dù nhà nước phong kiến, nhà nước tư bản hay nhà nước xã hội chủ nghĩa... nếu không có sự giáo dục sâu sắc và mọi hoạt động của nhà nước không được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì khó tránh khỏi tình trạng tham ô, lãng phí".
Chống tham ô lãng phí theo tư tưởng Hồ Chí Minh
 
 

Tham ô là lợi dụng quyền hành hoặc chức trách để ăn cắp của công; lãng phí là làm tốn kém hao tổn một cách vô ích. Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người. Nhân dân lao động ta làm lụng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để góp phần xây dựng của công - của Nhà nước và của tập thể. Của công ấy là nền tảng vật chất của chế độ Xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống nhân dân ta. Bác cho rằng, tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư. Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng. Lãng phí và tham ô tuy có khác nhau ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì cũng có tội.
Đứng về phía cán bộ mà nói tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư; Đục khoét của nhân dân; Ăn bớt của bộ đội; Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình. Hay nói cách khác, tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp mà ai cũng phải thù ghét, phải từ bỏ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lãng phí bao gồm nhiều mặt: Lãng phí sức lao động, lãng phí thời gian, lãng phí của cải vật chất, tài nguyên thiên nhiên của nhân dân, của đất nước. Lãng phí có thể do nhiều nguyên nhân: về trình độ non kém, thiếu kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, độc đoán đưa ra những quyết định sai lầm gây tốn kém hàng chục, hàng trăm tỉ đồng công quỹ của Nhà nước hoặc do chủ ý “ném tiền qua cửa sổ”; coi của công là “của chùa”; ăn uống, biếu xén, tiêu xài xa hoa lãng phí.
Để nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của bệnh tham ô, lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: "Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô".
Chống tham ô, lãng phí là vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và đã trở thành một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân sâu xa dẫn đến căn bệnh tham ô, lãng phí, đó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, nảy sinh ra các bệnh nguy hiểm như lười biếng, ngại gian khổ, khó khăn, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa... Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tích tổ chức, tích kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm.
Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra tệ nạn tham ô, lãng phí. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Có tham ô, lãng phí là vì bệnh quan liêu. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, bộ đội và Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng và nằm trong các tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ ta, phá hoại đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính... Nó là một thứ giặc trong lòng, “giặc nội xâm”... Vì vậy: “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”.
Tham ô, lãng phí còn do trình độ hiểu biết, trình độ văn hóa và trình độ tổ chức quản lý nhà nước yếu kém. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở từ lâu. Mỗi người đảng viên, cán bộ từ trên xuống dưới đừng tưởng mình ở cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cứ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mệnh”. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi. Họ xa rời quần chúng và chỉ muốn làm thầy quần chúng. Nói chuyện với cán bộ, đảng viên, Bác nhắc nhở mọi người phải ghi nhớ và làm theo câu nói của Lê-nin là “học, học nữa, học mãi”. Cán bộ ở cấp càng cao càng phải học nhiều, học văn hóa, học chuyên môn, học đạo đức, học cách cư xử và cách sống làm người... Do trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật thấp, thiếu hiểu biết thực tiễn, quen chỉ đạo, giáo huấn chung chung lại không chịu rèn luyện tu dưỡng nên một số cán bộ, đảng viên đã rơi vào tình trạng tham ô, lãng phí, suy thoái phẩm chất đạo đức... gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Từ những nguyên nhân cơ bản trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những phương thuốc chữa và triệt tận gốc bệnh tham ô, lãng phí, đó là:
(1) Muốn chống tham ô, lãng phí, trước hết và quan trọng nhất là phải chống chủ nghĩa cá nhân. Bác nói: "Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình”.
Bác khuyên dạy cán bộ, đảng viên, quân đội... không xâm phạm cái kim sợi chỉ của dân, lên án những cán bộ, đảng viên nặng đầu óc cá nhân chủ nghĩa, chỉ biết chăm lo thu vén cho bản thân mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể cộng đồng và của những người xung quanh mình. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước thì Đảng mới thực sự trong sạch và vững mạnh, mới giành được sự tin yêu thực sự của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch các ung nhọt ấy thì thân thể càng khỏe mạnh. Và: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”. Điều đó có nghĩa là Đảng phải thực hành kỷ luật nghiêm minh, Nhà nước phải có thể chế cụ thể, rõ ràng và quan trọng hơn là phải biết dựa vào lực lượng quần chúng đấu tranh, phê bình, giáo dục và xử lý nghiêm minh những cán bộ đảng viên mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa, tham ô, lãng phí gây nguy hại cho Đảng, cho Nhà nước, cho nhân dân.
(2) Muốn chống tham ô, lãng phí phải phát huy quyền làm chủ tối đa của nhân dân, phải biết dựa vào dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Uỷ viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng. Thực hiện dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Chỉ khi nào toàn thể nhân dân đều tham gia vào quản lý thì khi ấy mới có thể đã phá tận gốc chủ nghĩa quan liêu. Trên thực tế, nếu các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm chỉnh và đồng bộ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cũng là một biện pháp chống chủ nghĩa quan liêu, chống tham ô lãng phí một cách tích cực, có hiệu quả.
(3) Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ. Hướng tới việc hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: nhà nước đó phải thể hiện và thực hiện trên thực tế quyền lực của nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; thực hiện dân chủ hóa, công khai hóa sự quản lý của nhà nước. Việc hoàn thiện bộ máy quản lý gọn, nhẹ, có hiệu lực, bảo đảm cho bộ máy đó phải đi sâu đi sát thực tế, gắn quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nhìn vào thực tế tình trạng tham ô, lãng phí hiện nay, chúng ta càng thấy những lời dạy bảo của Bác là vô cùng sâu sắc và hết sức quý báu. Chúng ta mong rằng các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn những lời dạy nghiêm túc và chí tình chí lý của Người về thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí.
Đại hội X của Đảng cũng đã chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng. Đó là, “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng...” Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là phải thực hiện cho được lời Bác dạy về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, triệt tận gốc bệnh tham ô, lãng phí.
  • Phạm Phú Bình
    (Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)
Việt Báo (Theo_VietNamNet)
 

Nguồn tin: Theo Việtbáo.vn